THƠ LUÂN HOÁN – MỘT CHÚT TẢN MẠN
THƠ LUÂN HOÁN – MỘT CHÚT TẢN MẠN
Một ngày buồn giữa lúc đại dịch Covid lan
tràn khắp nơi, tin ca sĩ Phi Nhung là một trong hàng ngàn người chia tay cõi tạm
khiến nhiều người nghẹn ngào. Đâu đâu cũng vang lên tiếng hát của cô. Mọi người
nghe cô hát như một sự tưởng niệm.
Riêng tôi, từ trước đến nay gần như tôi
không nghe dòng nhạc Phi Nhung hay trình diễn. Tôi nhớ và chú ý nhiều hơn đến
cô ca sĩ xinh đẹp này chủ yếu là những việc làm thiện nguyện cô ấy đã góp cho
Vườn Hoa Từ Tâm của cuộc đời này thêm sắc, thêm hương. Ngày Phi Nhung mất và
nhiều ngày sau đó nữa, hàng xóm nhà tôi mở tới mở lui một nhạc phẩm mà tôi cũng
lẩm bẩm hát theo. Đến lúc đó, tôi mới biết bài “Phải Lòng Con Gái Bến Tre” do
nhạc Sĩ Phan Tấn Ni phổ thơ của Thi Sĩ Luân Hoán.
Tôi đọc thơ của Thi Sĩ Luân Hoán từ khá
lâu, có nhiều bài tôi rất thích vì nét hóm hỉnh, duyên duyên. Kể từ khi biết
bài hát trên, tôi đến với thế giới thơ của Thi sĩ Luân Hoán thường xuyên hơn
trước. Sự thường xuyên hơi muộn màng, tôi biết vậy.
Tuy nhiên, sự muộn màng vẫn không khiến
tôi phải vội vã. Cứ từng bước, thật rón rén tôi bước vào rừng Thơ của ông bạt
ngàn hương sắc. Với một người không biết làm thơ nhưng rất mê đọc thơ như tôi,
sự rón rén thận trọng đó hoàn toàn có lý do rất thuyết phục.
Tôi đã vô cùng thích thú theo bước chân Thi
Sĩ đi ngược thời gian, qua từng “ngõ mỹ nhân” với tâm thế mỗi nơi một khác. Từ “rập
rình, thấp thỏm … tới “lò dò, mon men…”, rồi bắt đầu “bâng
khuâng, lờ khờ…” Cuối cùng, hùng dũng hơn, chàng cất tiếng “Chào em,
…”
Bao nhiêu giai nhân đã trở thành nàng Thơ
của Thi Sĩ, cũng như mọi người, tôi không thể đếm được.
…
Thanh Thảo, Kiều Phúc, Kim Anh, Bích Đào
Phương Lan, Mộng Thúy, Lạc Giao
Bích Hường, Phước Khánh, Hồng Đào, Thái Thu
Huỳnh Thi, Phước Hạnh, Quỳnh Cư
Duyệt lai, Châu Yến Loan, Từ Thoại Chi....
mê tên người để làm gì ?
Thu Liên vẫn lạ, Hồ Hồng vẫn xa
hóa ra là để ba hoa
có chăng chữ nghĩa đậm đà sắc hương…
Chỉ biết rằng mỗi “ngõ mỹ nhân” ông dừng lại
dù theo tâm thế nào, những chiếc áo thơ đẹp lung linh đã được dệt và để lại cho
đời, để lại cho người đọc sự ngây ngất, say say ….
Và “ngõ mỹ nhân” ông chọn dừng chân cuối
cùng, nàng Thơ ấy mãi mãi dịu dàng, vĩnh hằng cả trong thơ và trong đời thực
em vẫn là thơ của những thơ
ngày xưa ta viết đến bây giờ
cho dù bay bướm đôi ba bận
tình vẫn về em hóa kiếp thơ
(
Cho Lý Ngày
61 )
lãnh thổ thơ tôi, một cõi Em
hàng trăm chánh thất, chỉ một tên
và không cung nữ, không hoàng hậu
lộng lẫy trong cùng một dáng Em
(Mời
Em Lên Ngựa)
Tôi cũng chăm chỉ đọc những bài các Thi hữu
viết về Thi Sĩ Luân Hoán và thơ của anh. Mỗi người đứng ở mỗi góc khác nhau
nhìn về thơ Luân Hoán, thấu cảm thơ Luân Hoán nên nét đẹp của thơ anh được khai
thác đa dạng vô cùng.
Rồi một chiều, thật tình cờ tôi được đọc một
bài thơ nho nhỏ của anh. Bài thơ không có bóng giai nhân, không cỏ hoa gối đầu
nhưng cứ lảng vảng trong đầu tôi với những cảm xúc thật lạ. Có lẽ do tôi giữ ấn
tượng về Thi Sĩ từng là một người lính chăng, mà chỉ một “Chiều Trên Sườn Đồi” với tất cả sự hoang hoải, mịt mù đã khiến
cảm xúc của tôi đẩy lên hết mọi cung bậc của nó.
Bài thơ có 5 khổ, đều bắt đầu từ câu “ngày trần truồng trên sườn đồi”.
Phải chăng đây chính là sự trần truồng của
chiến tranh (?) Cuộc chiến tranh mà khi tôi lớn lên đã không còn nhìn thấy
nhưng dư âm của nó thì vẫn còn vang vọng suốt nhiều năm qua; để lại nhiều nỗi
đau, nhiều vết thương mãi chưa chịu lành.
“Ngày trần truồng” âm vang từ những âm thanh nhỏ nhất, dịu dàng nhất và
cũng chát chúa nhất.
Trong khoảnh khắc im lặng giữa cuộc chiến, tay ôm súng nhưng tai người
lính trẻ vẫn nghe được tiếng chim đầu
ngọn lá, nghe được tiếng hát của cỏ cây trong gió, cả tiếng gõ trên báng súng
theo nhịp bài hát nào đó bất chợt vang thầm trong đầu. Anh vẫn nhìn thấy con suối
ngoan hiền vuốt ve ghềnh đá và tự thưởng cho mình một ngụm nước trong veo,
trong như giọt nước mắt người yêu ngày tiễn anh ra trận.
Lãng mạn lắm chứ! Sự lãng mạn này, theo tôi, không đơn giản chỉ vì trước
khi là người lính, anh Luân Hoán đã là Thi Sĩ.
Rồi chút lãng mạn ấy cũng qua nhanh, khi cuộc giao tranh đã diễn ra và phải
kết thúc. Nắng miền Trung hay nắng cao nguyên cũng vậy thôi, chói chang, bỏng
rát. Tôi tưởng tượng những mặt người nhấp nhô, những mũi súng di động và cuộc chiến
một mất một còn. Đau quá, đều là con Lạc cháu Hồng máu đỏ da vàng!
Tôi đã quặn thắt khi anh – người lính ấy đã thay ngụm nước suối mát lành
bằng những giọt mồ hôi đang chảy ngang môi mặn đắng. Ngón tay trên cò súng run
run… Không, không phải anh run sợ và đó chính là sự xúc động mạnh khi chứng kiến
chiến hữu mình ngã xuống và rất có thể mình là người tiếp theo.
Sự
sống và cái chết biên giới mong manh. Trong khoảng mong manh đó, con suối ngoan hiền
chảy bên sườn đồi, chiều nắng vàng vuốt ve, khuyên nhủ:
con suối vuốt
ve ghềnh đá
con suối khuyên nhủ lòng tôi
thản nhiên mày
thản nhiên mày, đừng nghĩ
…
chiều nắng vuốt
ve ngực áo giáp
chiều nắng khuyên nhủ lòng tôi
thản nhiên mày,
thản nhiên mày, đừng nghĩ
Cả khi ngón tay trên cò súng run run, anh cũng tự trấn an mình như thế.
Khi cận kề cái chết, anh cũng tự trấn an mình như thế.
tiếng buồn đầy
tiếng nổ
tôi chợt hiểu lòng tôi
con chim lìa cõi phúc
đường bay mù mù khơi
thản nhiên mày,
thản nhiên mày, đừng nghĩ
Tôi gọi đó là sự Thanh Thản.
May mắn thay, người lính trong bài thơ đã trở về, dù trở về trên đôi nạng
gỗ… Vút lên, trong tôi những câu hát quen thuộc của bài “Kỷ Vật Cho Em” của Nhạc
Sĩ Phạm Duy nhưng cái kết ở đây đẹp hơn rất nhiều.
“Chiều
Trên Sườn Đồi”, một bài thơ ngắn của Thi sĩ Luân Hoán, đã đủ phơi hết những gì thực nhất,
xót xa, đớn đau nhất.
Một lần nữa “tiếng buồn đầy tiếng nổ” đã ám ảnh tôi thật sự.
Tôi nhớ Hoàng Bình Dung,
bạn học suốt thời hoa niên.
Sau đó, tôi vào sư phạm để thực hiện ước mơ làm cô giáo, còn Dung đi lính qua Campuchia và hy sinh tại đó vào một
chiều cuối đông lành lạnh. Mìn nổ, thân thể bạn tôi không còn nguyên vẹn. Ngày
trở về của Dung là hình hài thu gọn trong chiếc tiểu sành nho nhỏ. Hôm làm lễ
truy điệu, tôi và các bạn cùng lớp khóc nhiều, nhiều lắm.
Bạn tôi đã không trở về. Bạn ấy có lẽ cũng chưa kịp nắm tay ai và trao nụ
hôn gợi một ban mai trong suốt.
Và tôi nghĩ đến và thầm gửi lời cảm ơn đến một người,
tôi hay gọi anh là anh Chín với thật nhiều trân quý và yêu thương.
Tôi dành những khoảnh khắc dịu dàng để nghĩ đến anh, như một người bạn tri
kỷ, luôn dành cho tôi sự chăm sóc ân cần; như một người anh trai hiền lành và
tài hoa; một người
từng là lính, từng đi qua cuộc chiến tranh để giành giữ lấy bầu trời xanh cho đất
nước, cho mọi người – trong đó có tôi, một cô bé con con mỏng manh như tia nắng
sớm chào cuộc sống vào ngày anh ra trận và để lại chiến trường
một phần nhỏ da thịt mình…
Nguyễn Thiên Nga
Nhận xét
Đăng nhận xét