Nếu Tôi Là Chiếc Lá - NTN
Chiều mùa đông…
Sân trường vắng.
Những chiếc lá me tây vừa khép mình ngủ đã vội bị cuốn xoay tròn, rơi nghiêng
theo cơn gió lành lạnh vừa ghé ngang. Những chiếc lá còn lại trên cành vẫn xôn
xao, nghiêng vành tai ngóng đợi một tin vui dù ngày sắp tắt.
Ta bất chợt nghĩ về hồn của lá.
Không biết những chiếc lá mảnh mai vừa bị cuốn bay kia có đau đớn khi chia tay
bạn bè?! Dứt khỏi cành khi vẫn còn xanh, có tiếng gọi nào thảng thốt hay xoe
tròn mắt lá ngạc nhiên vì sự vô tình của gió?!
Có thể, rất nhiều người không bao giờ để ý đến thân phận những chiếc lá. Nhưng
cũng sẽ không ít người thấy bâng khuâng như ta chiều nay khi những chiếc lá mảnh
mai rơi bất chợt giữa nắng hoàng hôn quạnh quẽ.
Lá rụng không chờ mùa thu của thi nhân hay của đất trời.
Lá rụng không chờ vàng úa. Một ngọn gió ngang qua vô tình ghé môi hôn, chiếc lá
xanh vội rời bạn bè để phiêu du vào cuộc chơi trắc trở.
Và cũng chẳng chờ gió,
bàn tay ai đã làm lá lìa cành…
Một ngày của tuổi học trò ngây ngô. Ta hái lá ép vào vở
để học bài mau thuộc. Cây Trắc bách diệp bên cạnh nhà thờ chánh tòa đã bị ta
len lén ngắt lìa cành vài cánh lá (Hình như ta không biết như vậy cũng là có tội,
có bao giờ ta xưng với linh mục là đã hái trộm lá đâu). Nhẹ nhàng, cẩn thận xếp
lá vào trang sách; gấp lại và dùng nhiều cuốn khác đè lên. Sau một tuần chờ đợi,
hồi hộp mở ra, chiếc lá đã khô đi, thoang thoảng mùi thơm tinh khiết và dịu
dàng. Đúng là học bài mau thuộc thật, ta mỉm cười chờ ngày mai hân hoan với điểm
mười đỏ chói hay lời khen của cô giáo làm ta phổng mũi. Ôi, tuổi thơ…
Một ngày mùa đông. Ta cùng lũ bạn cùng xóm chơi trò
bán hàng ở đồi thông nhỏ sau nhà. Thích nhất là chơi bán đồ trang sức, Những
chiếc lá thông hình kim xâu những cánh hoa ngũ sắc thành vòng đeo tay xinh xắn,
khéo léo nối vào nhau sẽ trở thành vương miện cài đầu hay dây chuyền hoa rực rỡ.
Nhoẻn nụ cười duyên rồi khen lẫn nhau: Sao tụi mình đẹp thế!
Mặt trời mùa đông đi ngủ sớm. Cả bọn lại xúm lại quơ lá thông khô. Ánh lửa bùng
lên ấm áp, má đứa nào cũng ửng hồng, đôi môi đỏ tươi ríu rít bao nhiêu chuyện
vui đem về từ lớp học hay cả chuyện con mèo nhà mình biết bắt chuột. Chỉ khi
nào tiếng gọi của các bà mẹ cất lên, cả bọn mới bịn rịn chia tay nhau và tỏ ý
tiếc nuối ngày sao chóng tàn đến vậy?!
Không chờ gió quyến rũ, lá lại được bàn tay các cô cậu
học trò mới lớn ngắt vội, ghi tên hai đứa, ép vào trang vở trao nhau cùng lá
thư màu mực tím. Tình yêu đầu đời trong veo như giọt sương sớm, lá bỗng trở
thành nhân chứng cho tình vừa chớm nụ. Khung trời học đường trở thành thiên đường
đầy ắp yêu thương và màu xanh, màu xanh của hy vọng, màu xanh của lá. Rồi một
ngày, tình bay xa như lá bay xa. Tình không viên mãn, cũng như cuộc đời của lá.
Sẽ có buồn bâng quơ, sẽ có những vần thơ hờn trách. Rồi cũng quên, tình yêu đầu
cùng những chiếc lá ép nồng trang vở ngày ta trao nhau trở thành một kỷ niệm đẹp
trong đời. Ta vu vơ hát trong chiều lành lạnh…
“ Chiếc lá rơi không tiếng, hai người yêu
hai nơi. Chẳng nghĩ về chiếc lá in dấu môi lên trời…”
Rồi lại một ngày, ngẩn ngơ ngắm nhìn những chiếc lá rơi
đầy sân vắng, ta thấy mình thật lạ. Ta nghe lá cựa mình, ta nghe lá hát, ta
nghe lá khóc…
Đó là ngày trước khi ta rời xa thành phố, về dạy học ở
một vùng dân tộc ít người xa xôi…Cả đồi thông lao xao ngập ngừng đưa những bàn
tay vẫy. Ta vui vẻ chuẩn bị lên đường như một hướng đạo sinh thực thụ: ba lô,
ba ta và lòng hoan ca…Hình như hôm ấy ta đã nghe lá hát.
Đó là ngày sau cơn sốt rét rừng hành hạ, ta thèm lắm một
bát canh rau. Học sinh tìm và mang đến cho cô giáo mấy chiếc lá Pép, sản vật hiếm
hoi của rừng vào những ngày cuối đông khô lạnh. Các anh chị đồng nghiệp nấu vội
vàng với chút muối và bột ngọt, ta nghẹn ngào nuốt cùng những giọt nước mắt.
Ngày hôm sau, các em lại đem đến một nắm lá chua và một con cá nhỏ vừa bắt được
dưới suối. Và cứ thế, mỗi ngày một loại lá rừng, các em nuôi cô giáo của mình.
Ta biết, khó khăn lắm các em mới tìm được lá giữa vùng khô cháy Đam Rông này.
Ta chỉ biết cố gắng mau khỏe và tiếp tục dạy cho các em những con chữ quen thuộc,
những bài học làm người; kể cho các em nghe về những ánh đèn thành phố mà chúng
cứ ngỡ ngàng tưởng như chuyện cổ tích.
Lại một ngày ta chia tay các em trở về thành phố. Lưu
luyến tiễn chân cô giáo tới tận chân đỉnh Dốc Trời, những giọt nước mắt ướt đầm
từng khuôn mặt đen nhẻm, các em ước cô sẽ quay trở lại vào một ngày nào đó. Và
ta không dám nói gì, hứa gì. Ta biết ta sẽ không còn đủ sức để quay lại. Tình
yêu, sức khỏe, ước mơ…đã bị quật ngã vì những cơn sốt rét rừng kinh khủng, vì những
bữa ăn đói cả rau rừng, vì cả lòng người không thông cảm khi cho rằng ta quá
“tiểu thư” – mỉa mai và đắng ngắt như lá rau tàu bay ta từng phải nuốt cùng học
sinh của mình.
Rừng tre cuối chân Dốc Trời ào ào đổ lá, ta xào xạc
buông rơi bước chân vô hồn trên thảm lá dày, ta trôi niềm đau trên chiếc lá thời
gian vô tình quá đỗi…
Vâng, lá đã khóc cùng ta, một cô giáo tuổi hai mươi chỉ
quen nghe lá hát chiều phố núi. Lá chia sẻ cùng ta, lá cưu mang ta, lá cho ta
hiểu về kiếp nhân sinh ở đời…
Khi chiếc lá vàng lìa cành, nó đã kết thúc một đời lá. Dù gió có cuốn lá rong chơi cuối nẻo vắng, chỉ một thời gian ngắn thôi nó sẽ hoà tan vào đất. Và đất lại nuôi dưỡng cây, cành, những lá xanh lại vươn mình lớn dậy. Lá hồi sinh. Sự sống lại bắt đầu.
Và con người cũng thế thôi. Một đời người, một đời lá. Sinh ra, lớn lên rồi mất đi. Chỉ có tình yêu còn ở lại, chỉ có tình yêu là vĩnh hằng. Vậy tại sao khi còn khoẻ mạnh, còn căng tràn nhựa sống, ta không sống cho thật ý nghĩa, cho thật tươi vui…
“Cuộc đời đó có bao nhiêu mà hững hờ”
Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn đã nói thế. Lá cũng nói với ta thế. Lá cũng đã tồn tại như thế.
Khi lá còn trẻ, lá cũng đã sống một cách có ích.
Ta nhớ những chiếc bánh phu thê là một trong những lễ vật nhà trai đem đến rước
dâu dạo ấy. Lá dừa được xếp thành chiếc hộp vuông xinh xắn, nhiều
chiếc hộp xếp cao thành hình tháp trông thật đẹp. Chỉ có người Huế mới khéo tay
như vậy. Ta về học miệt mài cách xếp lá bánh phu thê, cho những cặp phu thê để
rồi bỗng thấy mình xưa cũ…
Ta nhớ anh trai kể cho ta nghe về những câu kinh Phật in trên chiếc lá Buông khi ta chới với bên vực buồn thăm thẳm. Chỉ vậy thôi, ta lại cặm cụi tìm hiểu cho bằng được về những trang kinh viết trên lá, những trang thư tịch cổ viết trên lá. Để rồi ngạc nhiên đến vô cùng về loài cây Buông cho lá để viết này chỉ ra hoa duy nhất một lần trong đời rồi chết.
***
Lại xoay quanh những chiếc lá và cuộc đời vô thường!
Tuổi thơ ta với những chiếc lá thuộc bài, chiếc lá thông làm kim xâu chuỗi hoa mộng ước…
Tuổi hồng của ta với chiếc lá mộng mơ có tên hai đứa cùng bức thư màu mực tím và đã bay xa vào miền miên viễn.
Tuổi thanh xuân của ta với những chiếc lá rừng thay rau cùng những cơn sốt rét rừng vật vã vẫn còn hoài trong ký ức. Điều ấy nhắc nhớ rằng, sự đủ đầy hôm nay luôn có bóng dáng của ngày hôm qua…
Chút sắc đỏ của lá Trạng Nguyên giúp cuộc sống
sáng bừng một chút. Thoáng kinh cầu in trên lá Buông cho ta niềm hy vọng và chợt
mơ màng cùng chiếc lá tình yêu không có thực mà vẫn mãi theo tìm – lá Diêu
Bông…
Lá!
Lá của sự hồn nhiên, trong trắng.
Lá của tình yêu đẹp và thánh thiện vô ngần.
Lá của những thử thách trong đời.
Lá của tâm linh, của niềm tin, của cuộc sống.
Vòng xoay của lá, vòng quay cuộc đời.
“Nếu
tôi làm chiếc lá, lá sẽ xanh không bao giờ héo khô…” –
Đó phải chăng là ước nguyện!?
(thiennguyen, 30. 12. 2011)
Nhận xét
Đăng nhận xét